Nhiều người vẫn truyền tai nhau rằng “tháng cô hồn” làm gì cũng xui xẻo, không cẩn thận lại bị nhiễm “quỷ khí”. Liệu điều này có thực sự đúng?
Tháng 7 âm lịch hàng năm còn được gọi là “tháng cô hồn” hay “mở cửa mả”. Dân gian quan niệm đây là tháng của ma quỷ, đặc biệt là ngày Rằm tháng 7 là ngày “xá tội vong nhân” – ngày Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để ma quỷ được tự do trở về dương thế.
Người dân cũng quan niệm rằng, tháng cô hồn là tháng ma quỷ, không đem lại may mắn nên kiêng kỵ là điều cực kỳ quan trọng trong tháng này.
Đang xem: Giải mã ý nghĩa tháng cô hồn và ngày lễ xá tội vong nhân năm 2022
Thuyết “cô hồn” từ đâu mà có?
Từ xa xưa, Phật giáo đã quan niệm con người có 2 phần: 1 phần hồn và 1 phần xác. Phần hồn sẽ vẫn tồn tại, còn phần xác sẽ về với cát bụi.
Vào ngày 2/7 hàng năm, Diêm Vương cho mở cửa Quỷ môn quan để “quỷ đói” được trở lại trần gian rồi đến rằm lại quay về.
Quỷ đói là những người đã chết đi nhưng khi còn sống làm điều xấu nhiều nên bị đầy xuống địa ngục, làm quỷ đói quấy nhiễu dương gian. Dân gian vẫn tin rằng, ban đêm là lúc ma quỷ ra đường nhiều nhất nên luôn ám ảnh nỗi sợ nếu ra đường sẽ bị “ám” hoặc bị bắt.
Vì vậy mà theo tục lệ dân gian, người trần gian phải cúng cháo, gạo, muối cho quỷ đói để chúng không quấy nhiễu cuộc sống thường ngày.
Có hay không sự xui xẻo trong “Tháng cô hồn”?
Là tín ngưỡng dân gian liên quan đến linh hồn, quỷ đói nên trong văn hóa người Việt, nhiều người thường truyền tai nhau về các điều kiêng kị mỗi khi tháng cô hồn về như không treo chuông gió đầu giường, không phơi quần áo vào ban đêm, không chụp ảnh hay gọi tên nhau vào ban đêm, không được đi chơi đêm…
Tuy nhiên, cần phải khẳng định, chưa có một tài liệu chính thống hay nghiên cứu khoa học nào chứng minh tháng 7 là tháng không may mắn.
Theo dân gian, vào tháng cô hồn không nên đi đêm và không được ngoảnh đầu lại vì dễ bị ma quỷ trêu chọc. Dưới góc độ tâm lý học, đó chỉ là người nhát gan, thần hồn nát thần tính. Chúng ta thường có cảm giác bất an như có người đang đi theo mình hoặc gọi tên mình khi đi qua những chỗ vắng. Song đó chẳng qua là tiếng bước chân của chính mình và tự tưởng tượng ra các thứ gây ảo giác, sợ sệt.
Trong tháng “cô hồn”, dân gian kiêng rằng khi đi chơi đêm cần tuyệt đối tránh gọi tên nhau nếu không muốn ma quỷ ghi nhớ tên người được gọi hoặc đêm ngủ có người gọi tên không nên thưa sẽ bị ma quỷ dụ.
Thực chất, những kiêng kị này xuất phát từ việc ban ngày lo nghĩ, hoảng loạn, đem đến ảnh hưởng tâm lý. Bởi ngày lo nghĩ, nhắc gì nhiều về điều gì khi nằm ngủ rất dễ tái hiện lại.
Tháng “cô hồn” nhiều nơi kiêng không gội đầu, tắm vào ban đêm vì để tóc ướt ra đường bị ma giật tóc, tạo điều kiện cho cô hồn xâm nhập hoặc quậy phá. Thực tế, các bác sĩ khuyến cáo những người bình thường, nhất là với những người già hay phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ… không nên gội đầu, tắm đêm kể cả bằng nước nóng để tránh bị cảm lạnh, đau đầu.
Việc thức quá khuya rất dễ bị nhiễm “quỷ khí” trong tháng “cô hồn”, nhất là với phụ nữ mang thai là điều kiêng kỵ được truyền bá trong dân gian. Thực ra, việc thức quá khuya là điều không tốt cho sức khỏe dù ở bất kỳ thời điểm nào chứ chẳng phải mỗi tháng “cô hồn” như truyền tai. Thức khuya không chỉ khiến bạn bị thiếu ngủ mà còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như tăng cân, bệnh tim, tiểu đường, thậm chí đột quỵ.
Dưới góc độ Phật giáo, tháng 7 không phải là tháng cô hồn. Bởi vậy mà đạo Phật khuyên rằng ngày nào cũng là ngày tốt, tháng nào cũng là tháng tốt và không có ngày tháng nào xấu. Trong mỗi người bao giờ cũng có những phước đức, nếu có tâm, tích phước, thì ma quỷ cũng phải sợ.
Việc xui xẻo, vận hạn hay không là do tâm lý của con người mà ra, bởi vậy, đừng vì những bất cẩn của bản thân hay mê tín quá mức rồi đỗ tại “tháng cô hồn” nhé!